ISO 50001 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý năng lượng do tổ chức ISO xây dựng và ban hành. Mục đích của Tiêu chuẩn Quốc tế này nhằm giúp cho các tổ chức thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để cải tiến hiệu suất năng lượng, bao gồm việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu quả năng lượng. Việc thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn này nhằm hướng tới sự giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí năng lượng và các tác động môi trường có liên quan khác, thông qua việc quản lý năng lượng có hệ thống.
ISO 50001 là gì?
Bối cảnh về năng lượng
Năng lượng hiện đang là một nhân tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp. Việc thiếu hụt năng lượng và chi phí dành cho năng lượng ngày càng tăng đang dần trở thành một thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia và các doanh nghiệp trong việc đảm bảo đáp ứng các nguồn năng lượng phục vụ cho những mục tiêu tăng trưởng và phát triển.
Trong khi việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo hay năng lượng thay thế sẽ phải mất nhiều thời gian thì việc quản lý năng lượng hiệu quả nhằm giảm tiêu hao năng lượng và giảm chi phí năng lượng đang trở thành một vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều người và các tổ chức khác nhau.
ISO 50001:2011
Để góp phần vào việc giải quyết các thách thức này, vào tháng 6 năm 2011, tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 50001:2011, Hệ thống quản lý năng lượng – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.
Tiêu chuẩn này đưa ra mô hình về một hệ thống quản lý năng lượng cùng các hướng dẫn sử dụng nhằm giúp tổ chức lập kế hoạch và quản lý sử dụng năng lượng một cách có hệ thống. Nó được thiết kế để tập trung vào việc cải tiến hiệu suất năng lượng, góp phần tăng cường hiệu quả năng lượng, đồng thời giúp sử dụng năng lượng một cách khôn ngoan.
ISO 50001 không đưa ra các yêu cầu về mức hiệu suất năng lượng cụ thể cần đạt được ngoại trừ các cam kết về chính sách năng lượng của một tổ chức và nghĩa vụ phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý và yêu cầu khác mà tổ chức áp dụng. Vì vậy, nó có thể được dùng để áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào, không phân biệt quy mô tổ chức, loại hình sản xuất, cũng như các điều kiện về địa lý, văn hóa hay xã hội.
Một tổ chức có thể sử dụng tiêu chuẩn này để tự công bố sự phù hợp hoặc để chứng nhận bởi một tổ chức chứng nhận độc lập.
Mô hình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 50001: 2011
Tiêu chuẩn ISO 50001 được thiết kế dựa trên nguyên tắc tiếp cận quen thuộc đó là mô hình quản lý theo chu trình PDCA (Hoạch định – Thực hiện – Kiểm tra – Cải tiến). Vì thế nó đảm bảo tính tương thích tối đa với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý phổ biến khác như ISO 14001:2004, ISO 9001:2008, ISO 22000:2005… Do đó, một tổ chức có thể áp dụng tiêu chuẩn một cách riêng lẻ hoặc kết hợp với các tiêu chuẩn quản lý khác.
Các quá trình chính của hệ thống có thể được tóm lược trong sơ đồ sau:
Quá trình thiết lập chính sách năng lượng
Chính sách năng lượng phản ánh các cam kết của lãnh đạo nhằm đạt được các cải tiến về hiệu suất năng lượng, cam kết tuân thủ các yêu cầu pháp luật và các yêu cầu có liên quan khác.
Quá trình hoạch định năng lượng
Là quá trình lập kế hoạch quản lý năng lượng, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
– Xác định các yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác mà tổ chức cần tuân thủ.
– Xem xét năng lượng.
– Xác định đường năng lượng cơ sở và chỉ số hiệu suất năng lượng, các mục tiêu, chỉ tiêu năng lượng và các kế hoạch hành động quản lý năng lượng.
Quá trình thực hiện và điều hành
Đây là giai đoạn triển khai thực hiện các hoạt động quản lý và điều hành dựa trên các kết quả đầu ra của hoạt động hoạch định năng lượng.
Quá trình kiểm tra
Đây là quá trình tiến hành đánh giá kết quả và mức độ thực hiện các hoạt động quản lý năng lượng, việc triển khai được thực hiện thông qua nhiều hoạt động khác nhau.
Quá trình xem xét
Lãnh đạo cao nhất thể hiện vai trò của mình thông qua việc xem xét định kỳ Hệ thống quản lý năng lượng nhằm đảm bảo nó luôn phù hợp và được duy trì có hiệu lực.
Lời kết UCI về ISO 50001
Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 nhằm giảm phát thải khí nhà kính và các tác động môi trường khác có liên quan cũng như chi phí năng lượng thông qua quản lý năng lượng một cách hệ thống. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, với quy mô bất kỳ không phân biệt điều kiện địa lý, văn hóa và xã hội. Việc áp dụng ISO 50001 thành công phụ thuộc vào cam kết của tất cả các cấp và chức năng trong tổ chức và đặc biệt là cam kết của lãnh đạo cao nhất.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thông tin dạng văn bản | ISO 9001: 2015
Nấm men và Nấm mốc – Nhân tố quan trọng của ngành Thực phẩm
Nhóm chất lượng (Quality Circle – QC) là gì?
Huấn luyện đánh giá nội bộ cho Công ty Ngói bê tông SCG (Việt Nam)
Cải tiến liên tục Kaizen là gì? Ý nghĩa và ví dụ của Kaizen
Đào tạo 5S – Các Bệnh Viện Lớn: Chợ rẫy – Trưng Vương – Quận 5