Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc áp dụng ISO 14001 còn khá mới mẻ và khi áp dụng gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, việc đề xuất các giải pháp hợp lý cho các doanh nghiệp thực hiện việc áp dụng hệ thống ISO 14001 là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng thời đại, phát triển bền vững. Nắm bắt được nhu cầu cấp bách đó, Viện UCI chia sẻ những giải đáp về các câu hỏi về ISO 14001 – bộ tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng môi trường và sức khỏe nghề nghiệp. Từ đó, giúp chúng ta hiểu rõ hơn và xây dựng hệ thống ISO 14000 một cách dễ dàng hơn.
1. ISO 14000 là gì ?
– ISO 14000 là bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành nhằm giúp các tổ chức/doanh nghiệp giảm thiểu tác động gây tổn hại tới môi trường và thường xuyên cải tiến kết quả hoạt động về môi trường. Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 gồm các tiêu chuẩn liên quan các khía cạnh về quản lý môi trường như hệ thống quản lý môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, nhãn sinh thái, xác định và kiểm kê khí nhà kính…
– ISO 14001:2015 Hệ thống quản lý môi trường — Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng là tiêu chuẩn trong bộ ISO 14000 quy định các yêu cầu về quản lý các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Đây là tiêu chuẩn dùng để xây dựng và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000.
Sự phổ biến của ISO 14001
Theo kết quả điều tra khảo sát của ISO, tính đến tháng 12/2009, toàn thế giới có ít nhất 223.149 tổ chức/doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ ISO 14001.
Tiêu chuẩn này đã được phổ biến, áp dụng thành công tại nhiều quốc gia với mức phát triển và đặc trưng văn hóa khác nhau là vì ISO 14001 quy định yêu cầu đối với thiết lập một hệ thống để quản lý các vấn đề về môi trường của tổ chức, doanh nghiệp nhưng cho phép linh hoạt cách thức đáp ứng, vì vậy các loại hình doanh nghiệp khác nhau, từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn đa quốc gia đều có thể tìm được cách thức riêng trong việc xác định mục tiêu môi trường cần cải tiến và kế hoạch cần thực hiện để để đáp ứng các yêu cầu của hệ thống quản lý môi trường.
Phiên bản hiện hành của ISO 14001
Phiên bản hiện hành của tiêu chuẩn ISO 14001 là ISO 14001:2015. Phiên bản điều chỉnh này của ISO 14001 được ban hành để đảm bảo sự tương thích sau khi ban hành tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Tiêu chuẩn ISO 14001 đã được Việt Nam chấp thuận trở thành tiêu chuẩn quốc gia: TCVN ISO 14001:2015 Hệ thống quản lý môi trường – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.
2. Các lợi ích từ ISO 14000?
a) Về quản lý:
– Giúp tổ chức/doanh nghiệp xác định và quản lý các vấn đề môi trường một cách toàn diện;
– Chủ động kiểm soát để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về môi trường;
– Phòng ngừa rủi ro, tổn thất từ các sự cố về môi trường.
b) Về tạo dựng thương hiệu:
– Nâng cao hình ảnh của tổ chức/doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và cộng đồng;
– Giành được ưu thế trong cạnh tranh khi ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn yêu cầu hoặc ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000.
c) Về tài chính:
– Tiết kiệm chi phí sản xuất do quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả;
3. Các bước chính để thực hiện dự án ISO 14000 là gì?
Bước 1: Xây dựng chính sách môi trường:
Chính sách môi trường là kim chỉ nam cho việc áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý môi trường của tổ chức sao cho tổ chức có thể duy trì và có khả năng nâng cao kết quả hoạt động môi trường của mình.
Do vậy, chính sách cần phản ánh sự cam kết của lãnh đạo cao nhất về việc tuân theo các yêu cầu của luật pháp và các yêu cầu khác được áp dụng, về ngăn ngừa ô nhiễm và cải tiến liên tục. Đây là giai đoạn đầu của cấu trúc HTQLMT, và là nền tảng để xây dựng và thực hiện HTQLMT. Chính sách môi trường phải được xem xét thường xuyên để đảm bảo hệ thống được thực hiện và đầy đủ.
Bước 2: Lập kế hoạch về quản lý môi trường:
Đây là giai đoạn Lập kế hoạch trong chu trình Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Đánh giá. Giai đoạn lập kế hoạch được thiết lập một cách hiệu quả là khi tổ chức phải đạt được sự tuân thủ với các yêu cầu về pháp luật và tuân thủ với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14001 và những mong đợi kết quả môi trường do chính mình lập ra. Các công việc cần thực hiện trong giai đoạn này gồm:
Xác định các yêu cầu
Xác định các yêu cầu pháp luật và các yêu cầu khác về môi trường mà tổ chức/doanh nghiệp phải tuân thủ, các yêu cầu này có thể bao gồm:
- các yêu cầu pháp luật của quốc tế, quốc gia
- các yêu cầu pháp luật của khu vực/ tỉnh/ ngành
- các yêu cầu pháp luật của chính quyền địa phương
Xác định các khía cạnh môi trường có ý nghĩa
Tổ chức cần định đó các khía cạnh môi trường trong phạm vi hệ thống quản lý môi trường của mình, có tính đến đầu vào và đầu ra. Đây là một hoạt động rất quan trọng trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường. Khi xác định khía cạnh môi trường cần xem xét đến các hoạt động, quá trình kinh doanh, đầu vào và đầu ra có liên quan đến:
- Sự phát thải vào không khí
- Xả thải nước thải
- Quản lý chất thải
- Ô nhiễm đất
- Sử dụng nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên
- Các vấn đề môi trường của địa phương và cộng đồng xung quanh
Thiết lập mục tiêu, chỉ tiêu
Thiết lập mục tiêu, chỉ tiêu và chương trình quản lý môi trường nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra. Mỗi chương trình cần mô tả cách thức tổ chức sẽ đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu của mình, bao gồm:
- Thời gian
- Các nguồn lực cần thiết
- Người chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình này
Bước 3. Thực hiện và điều hành:
Giai đoạn thứ ba của mô hình cung cấp các công cụ, các qui trình và các nguồn lực cần thiết để vận hành hệ thống HTQLMT một cách bền vững. Giai đoạn thực hiện và điều hành đưa hệ thống QLMT vào hoạt động. Giai đoạn này yêu cầu cập nhật liên tục những thay đổi, như phân công lại trách nhiệm cho các nhân viên khi các hoạt động hoặc sản phẩm của tổ chức thay đổi, hay những thay đổi nhu cầu đào tạo theo thời gian, hay chính sách và các thủ tục thông qua sự cải tiến liên tục. Các công việc cần thực hiện trong giai đoạn này gồm:
Cơ cấu và trách nhiệm
Tổ chức chỉ định một hoặc một nhóm người có trách nhiệm và quyền hạn để thực hiện và duy trì hệ thống quản lý môi trường và cung cấp các nguồn lực cần thiết.
Năng lực, đào tạo và nhận thức
Thực hiện các nội dung đào tạo thích hợp cho các đối tượng quản lý, các nhóm nhân công, nhóm quản lý dự án và các cán bộ điều hành chủ chốt của nhà máy.
Thông tin liên lạc
Thiết lập và triển khai hệ thống thông tin nội bộ và bên ngoài nhằm tiếp nhận và phản hồi các thông tin về môi trường và phổ biến các thông tin cho những cá nhân/phòng ban liên quan. Các thông tin này thường bao gồm: luật định mới, thông tin của các nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng xung quanh, và phổ biến các thông tin về hệ thống quản lý môi trường tới người lao động.
Văn bản hóa tài liệu của hệ thống quản lý môi trường
Tài liệu của hệ thống quản lý môi trường có thể bao gồm: sổ tay, các qui trình và các hướng dẫn sử dụng. Theo tiêu chuẩn, có 11 yêu cầu cần được lập thành văn bản, và các hướng dẫn công việc. Nếu tổ chức đã có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, có thể kết hợp 6 qui trình cơ bản của hệ thống quản lý chất lượng với hệ thống quản lý môi trường.
Kiểm soát điều hành
Thực hiện các qui trình điều hành (các hướng dẫn công việc để kiểm soát các khía cạnh môi trường quan trọng của các quá trình sản xuất và các hoạt động khác mà đã được tổ chức xác định. Tổ chức cần lưu ý đến các khía cạnh môi trường có ý nghĩa liên quan đến các hoạt động và sản phẩm của các nhà thầu và nhà cung cấp.
Sự chuẩn bị và ứng phó với tình trạng khẩn cấp
Thực hiện các qui trình nhằm xác định các tình trạng khẩn cấp tiềm ẩn và giảm thiểu tác động nếu tình trạng đó xảy ra (ví dụ : cháy nổ, rò rỉ các nguyên vật liệu nguy hại)
Bước 4: Kiểm tra và hành động khắc phục:
Giai đoạn thứ tư của mô hình thể hiện hoạt động vận hành của hệ thống HTQLMT, đây là giai đoạn để xem xét cải tiến quá trình hoặc quyết định những thay đổi cho các giai đoạn khác. Giai đoạn thể hiện bước Kiểm tra trong chu trình Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Đánh giá. Các công việc cần thực hiện trong giai đoạn này gồm:
Giám sát và đo
Tiến hành thủ tục giám sát và đo tiến trình của các dự án nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra, hiệu quả hoạt động của các quá trình so với các tiêu chí đã đặt ra, định kỳ kiểm tra sự tuân thủ của tổ chức với các yêu cầu pháp luật và các yêu cầu khác có liên quan đến các hoạt động kinh doanh của mình.
Đánh giá sự tuân thủ
Tổ chức cần chứng minh rằng tổ chức đã đánh giá sự tuân thủ với các yêu cầu của pháp luật đã định rõ.
Sự không phù hợp và hành động khắc phục và phòng ngừa
Thực hiện các thủ tục nhằm đưa ra các hành động khắc phục và phòng ngừa phù hợp khi xảy ra những sự không phù hợp của hệ thông quản lý môi trường như các vấn đề về kiểm soát quá trình, không tuân thủ với các yêu cầu của pháp luật, sự cố về môi trường.
Hồ sơ
thực hiện thủ tục lưu giữ hồ sơ của hệ thống quản lý môi trường, các hồ sơ có thể bao gồm: các hồ sơ về giám sát quá trình; các hồ sơ về nhà thầu và nhà cung cấp, các hồ sơ về sự cố, các hồ sơ về thử nghiệm và sự chuẩn bị sẵn sàng với các tình huống khẩn cấp, hồ sơ về các cuộc họp môi trường, hồ sơ pháp luật…
Đánh giá hệ thống quản lý môi trường
Thực hiện thủ tục đánh giá hệ thống quản lý môi trường và các hoạt động của tổ chức nhằm xác nhận sự tuân thủ với hệ thống quản lý môi trường và với tiêu chuẩn ISO 14001. Cần báo cáo kết quả đánh giá tới lãnh đạo cấp cao. Thông thường chu kỳ đánh giá là một năm/ 1 lần nhưng tần suất có thể thay đổi phụ thuộc vào mức độ quan trọng của các hoạt động
Bước 5: Xem xét của lãnh đạo
Là giai đoạn thứ năm và là giai đoạn cuối của mô hình liên quan đến hoạt động xem xét của lãnh đạo về hệ thống QLMT. Quá trình xem xét yêu cầu thu thập các thông tin liên quan tới hệ thống QLMT và thông báo các thông tin này tới lãnh đạo cấp cao theo kế hoạch định trước. Mục đích của quá trình xem xét này gồm:
– Đảm bảo tính phù hợp liên tục của hệ thống HTQLMT;
– Xác định tính đầy đủ;
– Thẩm tra tính hiệu quả của hệ thống;
– Tạo điều kiện cải tiến liên tục hệ thống HTQLMT, các quá trình và thiết bị môi trường…
Từ kết quả xem xét của lãnh đạo về các thiết bị và nhân lực sử dụng trong quá trình áp dụng hệ thống HTQLMT cũng như các kết quả hoạt động về môi trường, tổ chức sẽ quyết định được điều kiện hiện tại có thể chấp nhận được, và cần phải thay đổi những gì. Giai đoạn này là bước Đánh giá trong chu trình Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Đánh giá.
4. Để triển khai một dự án ISO 14000 cần bao nhiêu thời gian?
Điều này phụ thuộc vào độ phức tạp của các khía cạnh môi trường, quy mô của hoạt động, mức độ tuân thủ các yêu cầu pháp luật về môi trường, cam kết của lãnh đạo và nhận thức của nhân viên.
5. Để bảo vệ tài nguyên, môi trường, pháp luật nghiêm cấm những hành vi nào?
Tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định những hành vi sau bị nghiêm cấm:
– Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
– Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật
– Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
– Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
– Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước.
– Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép.
– Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
– Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường.
– Nhập khẩu, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức.
– Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép
– Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vệt và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
– Xâm hại di dản thiên nhiên và khu bảo tồn thiên nhiên.
– Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
– Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người.
– Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường,làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.
– Các hành vị bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
6. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ gì để bảo vệ môi trường?
Trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quy định tại Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 như sau:
Điều khoản 1
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
– Có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
– Trường hợp nước thải được chuyển vệ hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý hệ thống nước thải tập trung;
– Có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn và phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn;
– Có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;
– Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là đối với cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy, nổ.
Điều khoản 2
Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau đây không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:
– Có chất dễ cháy, dễ gây nổ;
– Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;
– Có chất độc hại đối với sức khỏe con người và gia súc, gia cầm;
– Phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người;
– Gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước;
– Gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép.
7. Cho biết những cơ sở nào bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải? Các yêu cầu đối với hệ thống xử lý nước thải?
1. Đối tượng sau đây phải có hệ thống xử lý nước thải
– Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;
– Khu, cụm công nghiệp làng nghề;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung.
2. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau đây
– Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý;
– Đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh;
– Xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường;
– Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát.
8. Hiện nay nhiều khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường như: tiếng ồn, bụi, độ rung…Vậy Nhà nước ta có quy định gì nhằm hạn chế vấn đề này?
Nhằm hạn chế tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành quy định:
– Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, sánh sáng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn môi trường phải có trách nhiệm kiểm soát, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải thực hiện biện pháp hạn chế, giảm thiểu không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư.
– Tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, công trình xây dựng gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải có biện pháp giảm thiểu, khắc phục để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
– Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
9. Cho biết căn cứ để xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm?
Các căn cứ để xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm bao gồm:
– Môi trường bị ô nhiễm trong trường hợp hàm lượng một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường.
– Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng khi hàm lượng của một hoặc nhiều hóa chất, kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 3 lần trở lên hoặc hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 5 lần trở lên.
– Môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng khi hàm lượng của một hoặc nhiều hóa chất, kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 5 lần trở lên hoặc hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 10 lần trở lên.
Lời kết: Để đáp ứng mọi nhu cầu và giải đáp thắc mắc tốt nhất về chứng nhận iso 14001 hay quy trình tư vấn iso thực tế hãy đến với Viện UCI thông qua đào tạo và hoạt động tư vấn doanh nghiệp.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Giải đáp những thắc mắc về QAQC
QA QC là gì? Định nghĩa về QA/QC
Huấn luyện Lean Six Sigma cho Công ty TNHH SPARTRONICS Việt Nam
So sánh giữa KCS và QCS – TQM
3 Yếu Tố Thành Công Xây Dựng Văn Hoá Chất Lượng
Đào tạo Đánh giá viên nội bộ IA tại Công ty Kiến Việt